II. KHÁI NIỆM TỆ NẠN NGHIỆN MA TUÝ.
1. Khái niệm ma túy.
Hiện nay chưa có một định nghĩa mang tính bao quát chung thế nào là ma túy. Một số người xem ma túy là các độc dược được quy định trong dược điển, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra những phản ứng làm thay đổi một số chức năng trao đổi chất, gây những tổn thất lên hệ thần kinh gây nên những dấu ấn trong các trung tâm thần kinh của bán cầu đại não và tạo ra trong tâm lý con người một thói quen một nỗi khát khao, đam mê khó có thể từ bỏ được. Một số khác gọi ma túy là các chất “hướng thần” có tác dụng đặc hiệu lên hệ thần kinh gây nên những trạng thái tâm lý không bình thường, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của cơ thể, tạo thành những ảo giác, cảm giác mới lạ. Tóm lại có thể hiểu ma túy theo nghĩa sau đây:
- Theo nghĩa rộng: ma túy là chất khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi chức năng của cơ thể (Tổ chức Y tế Thế giới – WHO).
- Theo nghĩa hẹp: ma túy là một số chất tự nhiên hoặc tổng hợp khi đưa vào cơ thể người dưới bất cứ hình thức nào sẽ gây ức chế hoặc kích thích mạnh hệ thần kinh, làm giảm đau hoặc gây ảo giác.
Theo Liên Hiệp Quốc, “ma túy là các chất hóa học có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo khi xâm nhập cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm cho con người bị lệ thuộc vào chúng gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng, do vậy, việc vận chuyển, mua bán, sử dụng chúng phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật và chịu sự kiểm soát của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
2. Khái niệm nghiện ma túy.
- Theo nghĩa rộng: nghiện ma túy là tình trạng một bộ phận trong xã hội là những người có thói quen dùng các chất ma túy, thường tìm mọi thủ đoạn, hành vi để có được các chất ma túy và sử dụng chúng bất chấp sự nghiêm cấm của pháp luật và dư luận xã hội.
- Theo nghĩa hẹp: nghiện ma túy là sự lệ thuộc của con người cụ thể đối với các chất ma túy. Sự lệ thuộc đó đã tác động lên hệ thần kinh trung ương tạo nên những phản xạ có điều kiện không thể quên hoặc từ bỏ được.
Người nghiện ma túy là người thường xuyên lệ thuộc vào thuốc gây nghiện (được gọi chung là ma túy như: heroin, cocain, moocfine, thuốc phiện, cần sa…) có sự thèm muốn mãnh liệt khó cưỡng lại được, khi không sử dụng ma túy sẽ xuất hiện hội chứng cai (Theo Thông tư số 22/LB-TT ngày 21/7/1994 Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, quyết định 167/TTg ngày 08/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ các khái niệm trên, ta thấy ma túy có những đặc tính:
+ Gây cho người sử dụng nó có sự ham muốn không kìm chế được là phải sử dụng nó bằng bất cứ giá nào.
+ Gây cho người sử dụng nó có khuynh hướng phải tăng liều dùng, tức là càng ngày liều dùng càng phải cao hơn mới thấy có tác dụng.
+ Gây cho người sử dụng nó có sự nô lệ về mặt tinh thần và vật chất. Nếu đã nghiện mà ngưng sử dụng sẽ bị hội chứng cai thuốc làm cho cơ thể vật vã, bị những phản ứng sinh lý bất lợi, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người nghiện.
3. Các chất ma túy.
* Phân loại theo nguồn gốc.
- Chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên.
+ Cây anh túc (papaver somniferum): còn được gọi là cây thẩu, cây á phiện, ả phù dung. Anh túc là cây thảo mộc hàng năm, cao từ 0.5 đến 1.5m. Hoa to đơn độc có cuốn dài, màu trắng, tím hoặc hồng.Quả hình cầu hoặc hình trứng, đường kính 3 đến 6cm. Tồn tại trong thiên nhiên trên một trăm loài thuộc họ papavera Ceaca. Cây anh túc thường thích nghi và ưa chuộng miền khí hậu cận ôn đới, nhiệt đới độ ẩm cao, vùng đồi núi quanh năm có nhiều ánh nắng mặt trời. Mỗi quả thuốc phiện cho khoảng 0.02-0.04 gram nhựa. Sản lượng nhựa phụ thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện gieo trồng. Trung bình sản lượng đạt từ 5 đến 15 kg/ha.
+ Nhựa thuốc phiện (còn gọi là nha phiến hay á phiện) được lấy từ khi quả còn xanh bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt. Nhựa phơi khô có màu thẫm, đặc quánh có thể đóng gói. Theo phân loại của phòng thí nghiệm ma túy của Liên Hiệp Quốc tại Viên (Áo), thuốc phiện có 3 dạng:
Thuốc phiện sống (rawopium) là nhựa thuốc phiện mới thu hoạch từ quả và lá cây thuốc phiện, lọc qua vải nhiều lần, sấy khô và đóng gói, đặc dẻo, có màu đen, đen sẫm có mùi thơm đặc biệt, ít tan trong nước.
Thuốc phiện chín (preparec) thường gặp ở các nước Nam Á, được bào chế từ thuốc phiện sống bằng cách dùng nước nóng hòa tan nhiều lần thuốc phiện sống, lọc qua vải nhiều lần, sấy khô và đóng gói thành bánh có khối lượng, kích thước hình dạng khác nhau, có mùi thơm hơn thuốc phiện sống.
Xái thuốc phiện (drossopium) là phần còn lại trong tẩu sau khi thuốc phiện được hút xong. Thường trong xái thuốc phiện vẫn còn lại một số lượng morphin nhất định.
Ngoài ra, còn một dạng thuốc phiện gọi là thuốc phiện y tế, được bào chế sạch hơn, có nồng độ morphin cao hơn từ 9.5 đến 12%, có màu sáng thẫm, màu vàng đậm hoặc đỏ sẫm, được dùng làm chất giảm đau, chữa trị ho.
Từ thuốc phiện người ta chiết xuất ra morphin dạng tinh thể. Morphin có tác dụng làm giảm hoặc mất cảm giác đau đớn khi bị chấn thương. Từ morphin được tinh chế ra heroin dạng bột trắng xốp (còn gọi là bạch phiến).
+ Cây cần sa (canalis sativa): hoạt chất của cần sa là Hasshish, tiếng lóng gọi là “bồ đà”. Cây cần sa là cây thảo mộc hàng năm, cao từ 2-3m, thân mộc thẳng, đường kinh thân cây từ 3-6cm. Quả cần sa hình tròn, nhọn, xám trơn, trong dân gian gọi là hạt cần sa. Sản phẩm bất hợp pháp từ cây sần sa gồm có ba loại:
Thảo mộc cần sa (marijuana) là loại sản phẩm được tạo thành từ lá, hoa và hạt cần sa.
Nhựa cần sa (hasshish) được chiết xuất từ các bộ phận thân, lá, hoa và hạt cần sa.
Tinh dầu cần sa (hassish oil) còn gọi là cần sa lỏng được chiết xuất từ thảo mộc cần sa hoặc nhựa cần sa.
+ Cây côca (etotroxilon coca) là cây gỗ lá mọc so le, hai lá kèm nhỏ biến đổi thành gai, hoa nhỏ mọc đơn hoặc mọc tập trung 3-4 cái ở kẽ lá. Hoạt chất chính của côca là côcain. Côcain có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và gây nghiện.
Các phương thức sử dụng côcain rất khác nhau, một số tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, một số tẩm côcain vào thuốc lá để hút. Ngoài ra người ta còn pha côcain với nước lã uống trực tiếp vào cơ thể.
Người dùng côcain lúc đầu thấy sảng khoái do thần kinh được kích thích có những phản xạ hưng phấn, cơ thể khỏe ra, sau đó bị mê man.
+ Cây khát (cây catha) có tên khoa học là Cathaedulis Forsk, họ Lelatra Ceace.
Những người nghiện nhai lá cây khát lúc đầu xuất hiện một trạng thái hưng phấn và sảng khoái cao độ, dẫn đến việc nói năng bừa bãi, nói nhiều, nói lung tung. Nhiều trường hợp không làm chủ bản thân mình, hành động quá khích, thậm chí giống người điên khùng. Nhiều trường hợp bị loạn thần kinh do nhai quá nhiều lá khát.
- Ma túy có nguồn gốc nhân tạo:
+ Các chất Opiat:
Mục đích không phụ thuộc vào việc trồng và chế biến thuốc phiện, nhiều hãng được phẩm đã tiến hành tổng hợp toàn phần các thuốc giảm đau có tác dụng như morphin và heroin gọi là các morphin nhân tạo hay các opiat. Thuộc nhóm này có nhiều chất, điển hình là:
Dolargan: là chất bột trắng dùng làm thuốc giảm đau nhưng ít gây suy giảm hô hấp như morphin. Dolargan gây khoái cảm cho người nghiện sử dụng nhưng ít gây nghiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay người nghiện ma túy hay dùng morphin vì giá thành Dolargan khá cao.
Heroin tổng hợp: ra đời năm 1982, có tác dụng mạnh hơn heroin nhiều lần. Đây là loại ma túy thế hệ mới rất độc hại, gây nghiện nặng và gây cho người dùng nhiều thảm họa, trước hết là những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương.
Các chất ức chế hệ thần kinh:
Thuốc ngủ loại barbiturar là tên chung chỉ các dẫn xuất của axit của barbiturie, được làm thuốc ngủ chống động kinh. Chúng là chất gây nghiện nếu dùng quá lâu sẽ gây nhựng triệu chứng như mất trí nhớ, nói ngọng, ảo giác và gây tổn thương cho hệ tuần hoàn. Sử dụng liều cao gây ngộ độc, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.
Thuốc an thần Sedusen, Meprobamar: những loại này có tác dụng chống lo âu, chữa bệnh, hồi hộp, gây ngủ, dịu đau đầu… nhưng dùng nhiều sẽ gây nghiện.
Các chất kích thích hệ thần kinh:
- Amphetamin: có tác dụng kích thích mạnh hệ thần kinh trung ương, tăng co bóp tim, tăng huyết áp. Với liều vừa phải, Amphetamin làm tăng khả năng lao động trí óc, giảm chứng buồn ngủ, tăng sức lực. Với liều cao, Amphetamin gây ra các phản ứng choáng, cơ thể suy sụp, không muốn ăn uống, đau đầu, loạn nhịp tim, giảm khả năng lao động và học tập, dùng lâu có thể dẫn tới rối loạn thần kinh, tâm thần.
- Meth (là tên viết tắt của Methamphetamin) dựa vào công thức hóa học của Amphetamin, người ta đã tổng hợp ra loại thuốc mới, Methamphetamin mạnh hơn Amphetamin. Khi hút vào cơ thể Meth kích thích mạnh thần kinh gây hưng phần, tạo cảm giác bay bổng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Meth cũng kích thích làm não thiếu tập trung và “đần” hẳn đi, vài tháng sau sụt cân và tăng liều dùng.
- Phenmetrzin (Obexit) và Phenntrmin (miraprimt): các thuốc này ngoài kích thích thần kinh gây ít ngủ còn gây cho người nghiện cảm giác không đói, do đó chúng được dùng làm thuốc chống béo.
- Rượu trắng hay cồn: thực chất là rượu etylic được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc lên men vi sinh vật. Rượu kích thích hệ thần kinh gây khoái cảm là chủ yếu, khi đó người sử dụng thấy khoan khoái, huyên thuyên hay cáu giận, dễ gây gỗ.
* Phân loại theo mức độ gây nghiện:
- Loại mạnh: bao gồm những ma túy luôn gây ra hiện tượng nghiện, khi cai nghiện thường gây ra những rối loạn nghiêm trọng về sinh lý.
Ví dụ: thuốc phiện, heroin, cocain, meth…
- Loại trung gian: các chất này thường gây nghiện do phản ứng dược lý gây tác hại đến cơ thể người dùng, do đó chúng được kiểm soát chặt chẽ.
Ví dụ: các thuốc an thần gây ngủ sedusen; các thuốc giảm đau: morphin, dolargan; các thuốc gây ảo giác: lsd, bồ đà…
- Loại nhẹ: là những chất gây nghiện do phản ứng tâm lý, khi cai nghiện không gây ra những rối loạn sinh lý nghiêm trọng, ít gây tác hại cho cá nhân và xã hội nên không phải chịu sự kiểm soát và nghiêm cấm.
Ví dụ: cà phê, thuốc lá…
4. Cơ chế gây nghiện.
Trong cơ thể con người, tuyến yên sản sinh ra chất giống như morphine gọi là Morphine nội sinh. Khi sử dụng lâu dài ma túy, các morphine nội sinh này sẽ không được tạo ra nữa và khi ngưng sử dụng ma túy, cơ thể trở nên thiếu hụt morphine nội sinh (Endorphine), lúc đó người nghiện có cảm giác khó chịu dữ dội, không chịu đựng nổi, như vậy cơ thể đã lệ thuộc vào chất ma túy.