image banner





Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Điều trị cho người nghiện rượu Phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và gia đình

    Thực tế từ Bệnh viện tâm thần Hải Phòng cho thấy, thời gian gần đây không chỉ gia tăng số người bệnh mắc các hội chứng tâm thần do rượu gây ra, người bệnh mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Điều đáng lo ngại là có tới 80% số người bệnh sau khi điều trị ổn định trở về gia đình lại tái nghiện, việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn sau khi tái nghiện. 
    Nhiều người trẻ mắc bệnh loạn thần do rượu 
    Theo bác sỹ Bùi Thị Thúy, Phó trưởng Khoa điều trị nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, 2 năm gần đây số người bệnh bị tâm thần do uống rượu vào bệnh viện tăng gấp 2 lần. Đáng lưu ý, người bệnh trẻ tuổi ngày càng nhiều, chiếm khoảng 30% tổng số người bệnh bị tâm thần do rượu phải nhập viện. Như trường hợp người bệnh Vũ Hoài Tân (32 tuổi), nhà ở mặt đường phố Tam Bạc, quận Hồng Bàng, uống rượu từ năm 16 tuổi. Đến khi cậu có biểu hiện loạn thần do rượu, gia đình mới quyết định đưa cậu đi cai. Hai năm nay, Tân chỉ ở viện để cai rượu, vì lần nào ra ngoài được vài ngày, cậu lại tái nghiện trở lại. Nằm điều trị cùng khoa với Tân hiện có khá nhiều người bệnh còn trẻ như Vũ Văn Hùng, 31 tuổi ở xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), uống rượu có thâm niên 12 năm; Dương Văn Đông, 39 tuổi, ở xã Lê Thiện, huyện An Dương, uống rượu được 7 năm thì có triệu chứng run tay chân, hoang tưởng... Khi còn “sung sức”, mỗi ngày, các người bệnh này có thể uống 1-2 lít rượu. 
    Theo bác sỹ Thúy, tác hại của rượu không chỉ hủy hoại gan như nhiều người vẫn tưởng. Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến như: biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, cáu gắt, ghen tuông... dẫn đến những hành vi tiêu cực. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Aldehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Trong thời gian ngắn quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể; làm suy giảm một số chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Bệnh loạn thần do rượu khiến người bệnh bị hoang tưởng, tưởng tượng có người giết mình, hoặc vợ ngoại tình, hoặc nhìn thấy ma quỷ... Điều đáng lo ngại là phần lớn những người bị ảnh hưởng tâm thần do rượu không được phát hiện sớm, khi nhập viện đều đã nặng. Nhiều người còn không nghĩ uống rượu có thể bị tâm thần và thường sống chung với người bị loạn thần, sảng rượu mà không nghĩ đó là căn bệnh, có thể điều trị khỏi. Trong số những người bệnh đến điều trị loạn thần do nghiện rượu tại Bệnh viện tâm thần tại Hải Phòng có đến 60% có ảo giác. 
    Dễ tái nghiện nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình 
    Tiến sỹ, bác sỹ Đàm Đức Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Hải Phòng cho biết, điều trị nghiện rượu là cả một quá trình dày công, đòi hỏi sự hợp tác tốt từ người bệnh và gia đình. Giai đoạn điều trị nội trú trong bệnh viện thường dành cho người nghiện có các triệu chứng rối loạn về tâm thần. Nguyên tắc điều trị giai đoạn này là nâng cao thể trạng, giải độc, làm dịu cơn thèm rượu và điều trị tình trạng loạn thần bằng các thuốc hướng tâm thần. Tuy nhiên điều trị và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện. 
    Bác sỹ Bùi Thị Thúy bày tỏ lo lắng: khoảng 70% người bị loạn thần do rượu đã tái nghiện rượu trong thời gian 12 tháng sau điều trị tại bệnh viện. Tỷ lệ tái nghiện cao nhất trong 3 tháng đầu sau điều trị. Trong nhóm đối tượng tái nghiện rượu, phần lớn có số lần cai nghiện từ 4 lần trở lên. Trong khi đó việc điều trị chống tái nghiện rượu chưa được hướng dẫn và chưa có hệ thống, hiệu quả điều trị chống tái nghiện chưa cao nên việc điều trị cho người tái nghiện gặp nhiều khó khăn. Hiện, tại Khoa điều trị nghiện chất đang có khá nhiều người bệnh đang điều trị tái nghiện. Nhiều người bệnh đã điều trị tại viện đến lần thứ 10 như các anh Nguyễn Văn Thường, Trần Mạnh Nguyên, Nguyễn Văn Lương, đều ở Thủy Nguyên, 60% số người bệnh trở lại viện sau 1-2 tuần điều trị ổn định. Dịp sau Tết nguyên đán, thường tỷ lệ người bệnh tái nghiện nhập viện sau gấp 2 lần. Nhiều trường hợp khó cứu chữa là người bệnh nhập viện quá muộn, điều trị ở tuyến dưới không bảo đảm chất lượng, dẫn đến hôn mê. Tại Bệnh viện tâm thần Hải Phòng hiện có người bệnh Đỗ Mạnh Tuấn, ở Quảng Ninh, do đi nhiều bệnh viện ở địa phương điều trị không đúng bệnh, khi vào đây có biểu hiện sảng rượu – giai đoạn nặng của nghiện rượu. Các trường hợp sảng rượu có tỷ lệ tử vong đến 30%. Một số người bệnh chủ quan không đến bệnh viện chữa trị dẫn đến bệnh nặng, một số có tâm lý e ngại không đến bệnh viện khám và điều trị. 
    Bác sỹ Thúy khẳng định, để không tái nghiện, trước hết bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm đoạn tuyệt với bia, rượu sau đó là tuân thủ nghiêm chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Cùng với đó, cần sự vào cuộc phối hợp quản lý người bệnh của gia đình. Có như vậy việc chống tái nghiện rượu mới có hiệu quả lâu dài.
                                                                                                                    Đức Chung sưu tầm

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng
Địa chỉ: Số 1 Lương Văn Can, Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng
Email: chicucpctnxh@haiphong.gov.vn
Giấy phép số: 04/GP-STTTT, ngày 05-6-2018, Sở Thông tin và Truyền thông
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng, Trưởng Ban biên tập
Thiết kế bởi VNPT Hải Phòng