26/01/2016
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Sáng ngày 22/01/2016, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Sáng ngày 22/01/2016, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu gồm: đại diện Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Sở, ban, ngành thành phố; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, quận, huyện; báo cáo viên pháp luật thành phố và cán bộ pháp chế các Sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng tư pháp; công chức tư pháp – hộ tịch của 223 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, các đồng chí là tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở…
|
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, Báo cáo viên pháp luật tại Hội nghị giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, gồm 8 chương, 143 điều. Luật có một số điểm mới như: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính đều phải có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống ở cấp huyện đến cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị khác biệt với chính quyền nông thôn; HĐND cấp tỉnh được bầu từ 50 đến 95 đại biểu (tăng 10 đại biểu so với trước đây), HĐND cấp huyện được bầu từ 30 đến 40 đại biểu, HĐND cấp xã được bầu từ 15 đến 35 đại biểu…
Về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2015, gồm 10 chương với 98 điều, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử gồm: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp, Thường trực HĐND các cấp. Luật mở rộng đối tượng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngày bầu cử theo quy định là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Cụ thể, đối với ngày bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày 22/05/2016.(các Trung tâm cai nghiện chủ động liên hệ với đơn vị bầu cử tại xã, phường sở tại để đảm bảo quyền lợi cho các học viên).
Qua đó, đã quán triệt sâu rộng đến cán bộ các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị nắm vững những nội dung cơ bản của hai văn bản Luật mới được Quốc hội thông qua và có ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, chính trị của đất nước, để từ đó tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến ở các cấp, các ngành và địa phương cơ sở, góp phần thiết thực nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao./.
NB