image banner





Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Bia, rượu gây hại, cấm? Đâu đơn giản thế!

    Sau Tết Bính Thân 2016, nhìn vào số vụ tai nạn giao thông và số vụ ẩu đả tăng vọt, người ta nghĩ ngay đến thủ phạm là bia, rượu. Rất nhiều người nghĩ và nêu bật thành đề nghị: Bia, rượu lơn thế tại sao không cấm hẳn đi? Cấm – tưởng dễ nhưng cấm bia, rượu đâu có đơn giản. 
    Bia, rượu gây ra nhiều điều bức xúc quá! 
    Tai nạn giao thông trong dịp lễ, tết do nạm dụng bia rượu đã trở thành “chuyện thường ngày”. Những đấng mày râu vốn lịch lãm, ga lăng; sau khi uống rượu, bia về bạo hành vợ con cũng đã trở thành chuyện phổ biến. Những cái chết thương tâm tại ngay bàn nhậu do thi thố chuyện uống rượu cũng không còn mới mẻ nữa. Ấy thế nhưng, năm nay có một thông tin khiến nhiều người giật mình và bức xúc, đó là báo cáo nhanh của Bộ Y tế. 
    Báo cáo nhanh của Bộ Y tế chi hay, trong 8 ngày tết, từ ngày 6/02 – 14/02 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Riêng Tết Bính Thân) các bệnh viện trên toàn quốc đã khám, cấp cứu cho 267.576 trường hợp, điều trị khỏi bệnh và cho 123.153 người bệnh ra viện về gia đình ăn Tết. Số người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện đến sáng mùng 7 Tết là 117.569 trường hợp. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh: Trong cả dịp Tết đã xảy ra hơn 5.100 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, xô xát, trong đó có 13 người tử vong, tăng gấp 2 lần so với Tết Ất Mùi. Đây là điều gây bức xúc và suy ngẫm trong nhân dân. 
    Báo cáo phân tích và nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau, ẩu đả trong dịp Tết, đặc biệt là việc sử dụng rượu bia dẫn đến không làm chủ được bản thân khiến nảy sinh hành vi bạo lực. 
    Như vậy, có thể kết luận: Bia rượu là thủ phạm chính gây nên những cái chết thương tâm, những vụ xô xát đẫm máu, những mâu thuẫn dai dẳng trong đời sống xã hội. Bia, rượu mang đến cho con người quá nhiều cái hại. 
    Bia, rượu gây hại nhiều lắm, nhưng đừng nói đến chuyện cấm! 
    Không phải tới bây giờ nhân loại mới nói về cái hại của bia, rượu. Hàng ngàn năm trước, người ta đã nói, còn có những ví dụ cụ thể. Trương Phi, một con người tốt, một tướng tài, nhưng vì rượu mà phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Trong lịch sử loài người, chưa quốc gia nào đưa ra lệnh cấm rượu, bia mà đạt được mục đích cả. Trong thế kỷ XX, hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô đã đưa ra lệnh cấm bia rượu. Kết quả: Cả hai đều thất bại 
    Việt Nam không phải siêu cường, nếu có cấm bia, rượu thì cũng không dẫn tới hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên, cũng có những lý do rất thuyết phục để chúng ta không nghĩ đến chuyện cấm bia, rượu. Trước hết, việc sản xuất kinh doanh bia, rượu tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Thứ hai, ngành bia, rượu đóng góp cho ngân sách một khoản rất đáng kể. Nay ngân sách đang thâm hụt, nếu thiếu khoản đóng góp của ngành bia, rượu thì thực sự nguy. Thứ ba, có tới hàng trục triệu người sử dụng bia, rượu hàng ngày; với họ, đây là một thói quen không thể bỏ. Vì thế, có thể thấy trước là họ không dễ dàng tuân thủ lệnh cấm. Thứ tư, về mặt logic và pháp lý, phải xác định cấm sản xuất, kinh doanh hay cấm sử dụng? Nếu cấm sản xuất, kinh doanh thì liên quan đến luật pháp. Điều này phải đưa ra Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Thứ năm, bia, rượu là những phát minh đáng giá của con người. Sử dụng bia, rượu vừa phải, chừng mực có lợi cho sức khỏe. 
    Với những lý do trên, chúng ta không nên và không thể cấm bia, rượu được. Trong đầu những ai lởn vởn ý nghĩ phải tìm cách cấm bia, rượu thì phải gạt nó ra khỏi đầu để tìm biện pháp ứng phó với tác hại của bia, rượu. 
    Không cấm nhưng hạn chế bia, rượu là tối cần thiết 
    Chúng ta đã phân tích về cái lợi, cái hại của bia, rượu nhiều rồi. Ai cũng có ý kiến khá rõ ràng về việc sử dụng bia, rượu, từ chính khách đến nông dân; từ bác sỹ đến luật sư; từ thầy giáo đến học sinh; từ cụ ông, cụ bà đến cháu nhỏ... Kết luận được đa số đồng ý: Không thể cấm việc uống bia, rượu: song hạn chế là điều tối cần thiết; cần phải tìm mọi biện pháp để hạn chế chuyện uống bia, uống rượu. Điều này nhằm hạn chế cái hại, tăng thêm cái lợi của bia, rượu. 
    Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là bộ đội và công an đã có những quy định cụ thể về chuyện sử dụng bia rượu. Nhìn chung, người ta cấm uống bia, uống rượu trong lúc thi hành công vụ. Một số địa phương đưa ra quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức uống bia, uống rượu tại công sở và trong giờ ăn trưa... Tuy nhiên, chúng ta thấy tất cả những quy định này chỉ mang lại một số kết quả rất hạn chế. Người ta tìm ra đủ mọi cách để “né” những quy định này. 
    Theo tôi, chỉ có thể khơi dậy lòng tự trọng, tinh thần tự giác của mỗi người trong chuyện sử dụng bia, rượu có chừng mực. Phải xem chuyện uống bia, uống rượu là một hành vi văn hóa, mà đã là văn hóa thì không được xa vào thái quá. Thú thật, người viết bài này cũng là người thường xuyên uống bia, uống rượu. Với kinh nghiệm và nhận thức của mình, tôi hạn chế tối đa tác hại của bia, rượu. Tôi không có bí quyết gì lớn ngoài hai điều có thể chia sẻ. Một là , cần biết năng lực (tửu lượng) của mình và dừng lại đúng lúc; khơi dậy lòng tự trọng của bạn bè để họ ủng hộ mình. Đã nhiều lần uống rượu với bạn bè, khi đang sôi nổi nhất thì tôi đề nghị không uống nữa. Nhiều người chất vấn: “Không khí đang vui: rượu bia đang nhiều, tại sao không uống nữa?”. Tôi trả lời: “Chúng ta dừng lại, không uống nữa để chứng tỏ chúng ta là những người biết uống rượu”. Nghe câu trả lời như vậy, bạn bè tôi dịu hẳn và chấp nhận dừng uống. Hai là, chỉ uống loại rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ của nó để tránh uống phải rượu giả. 
    Thế đấy, chuyện rượu, bia có nhiều cung bậc lắm. Nhưng chốt lại: Không nên bàn chuyện cấm bia, rượu; chỉ bàn cách sử dụng bia, rượu thế nào cho hợp lý. Đây là vấn đề của nhận thức và văn hóa.
                                                                                                       (nguồn Tạp chí Gia đình và trẻ em)

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng
Địa chỉ: Số 1 Lương Văn Can, Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng
Email: chicucpctnxh@haiphong.gov.vn
Giấy phép số: 04/GP-STTTT, ngày 05-6-2018, Sở Thông tin và Truyền thông
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng, Trưởng Ban biên tập
Thiết kế bởi VNPT Hải Phòng