image banner





Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Phòng, chống tội phạm mua bán người
 

    Nhẹ dạ tin vào những lời mật ngọt về công việc an nhàn, lương cao hay lấy thiếu gia có tài sản kếch xù, nhiều cô gái trẻ rơi vào tay của những kẻ buôn người. 
    Đặt niềm tin vào "đại gia ảo" 
    Cách đây hơn 1 năm, trên mạng xã hội xuất hiện nickname “Long tiền tỷ”. Với nhiều hình ảnh thể hiện sự giàu sang như sở hữu ngôi nhà đẹp và xe ô tô sang trọng, thường xuyên du lịch đến những điểm ăn chơi nổi tiếng, "Long tiền tỷ" tạo dựng vẻ ngoài của đại gia và nhanh chóng chiếm được cảm tình của Phạm Thi V.A, học sinh lớp 10 ở phường Đông Hải 1 (quận Hải An). Sau khi ngỏ lời yêu, Long rủ V.A đi thăm mẹ ở Trung Quốc. Tin tưởng bạn trai là đại gia, V.A đồng ý cùng người yêu xuất ngoại. V.A không thể ngờ rằng, Long đã bán mình với giá 20 triệu đồng cho chủ động mại dâm ở thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam. May mắn cho V.A, trong lúc các đối tượng đưa ra chợ mua quần áo, V.A nhanh trí thoát ra ngoài gọi điện về gia đình cầu cứu. Khi được lực lượng công an giải cứu an toàn, hỏi về lai lịch của người yêu thì V.A không nắm được gì ngoài nickname trên mạng là “Long tiền tỷ”. Kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an mất nhiều công sức tìm được thủ phạm là Phạm Văn Xuất, sinh năm 1996, ở xã Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng). 

    Cán bộ Phòng PC 45 tuyên truyền về tội phạm mua bán người tới học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố. 

    Cũng với thủ đoạn trên, Lê Đình Luận, sinh năm 1990, ở huyện Thủy Nguyên với nickname facebook “Luận thiếu gia” làm quen với Phạm Yến M., sinh năm 1994, ở quận Hải An. Khi thấy “con mồi” sập bẫy tình, Luận vờ rủ người yêu đi Hà Nội nhưng đưa thẳng lên Lạng Sơn, rồi dẫn sang Trung Quốc bán lấy 20 triệu đồng. Hay như hai đối tượng Sùng A Giang, sinh năm 1991 và Nông Văn Căn, sinh năm 1997, quê ở xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), rủ nhau xuống Hải Phòng tìm việc làm. Trong lúc chờ xin việc, Căn lập tài khoản trên mạng Zalo có nickname là “Quân công tử” và tìm cách làm quen với các cô gái mới lớn. Khi biết Phạm Thị P., sinh năm 1996, quê ở Thanh Hóa, đang chờ xin làm công nhân ở quận Dương Kinh, Căn làm quen rồi rủ P. đi Hà Nội chơi, nhưng thực chất lên kế hoạch cùng Giang đưa P. và người bạn gái nữa của P. lên Lào Cai bán sang bên kia biên giới. May mắn, 2 cô gái lợi dụng sơ hở trốn thoát, báo công an đến cứu. 
    Cần có kỹ năng ứng xử 
    Từ năm 2011-2015, Công an thành phố phát hiện 16 vụ với 41 đối tượng, trong đó triệt phá 12 đường dây mua bán người, bắt giữ 14 đối tượng, xử lý hành chính 3 đối tượng. Từng tham gia chỉ đạo phá thành công nhiều vụ án mua bán người, đại tá Ngô Văn Xuân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phân tích, thủ đoạn của các đối tượng buôn người hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và người nước ngoài để hình thành các đường dây phạm tội khép kín. Các đối tượng tìm đến các vùng nông thôn lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết để dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn tìm kiếm giới thiệu việc làm ở những nơi có thu nhập cao, cuộc sống nhàn hạ, sau đó đưa thẳng lên biên giới chuyển cho đồng bọn bán sang Trung Quốc (chiếm 90% số vụ việc xảy ra). 
    Qua một số vụ án triệt xoá, cơ quan Công an thành phố nhận định, hiện nay, tội phạm mua bán người thường lợi dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…, hoặc trò chơi trực tuyến trên internet để làm quen, kết bạn, tạo dựng lòng tin, quan hệ yêu đương với các em gái có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý của gia đình để lừa bán ra nước ngoài. 
    Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khuyến cáo, để ngăn chặn hoạt động của tội phạm buôn người, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan công an, các cấp, ngành, địa phương và nhà trường cần chủ động tuyên truyền thủ đoạn tội phạm đến người dân, nhất là nhóm trẻ em gái, mục tiêu của bọn tội phạm. Các trẻ em gái hạn chế đưa ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không dễ dãi tin vào những lời hứa của những người bạn mới quen, nhất là quen trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần thận trọng trước những lời yêu đương với bạn trên mạng xã hội, không nên nhận lời đi chơi xa với bạn mới quen, nếu có đi phải xin phép người lớn trong gia đình và nói rõ mục đích. 
    Trong tình huống bị đưa đến một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… các em gái cần bình tĩnh, cảnh giác và dừng không đi tiếp. Buộc đối tượng phải quay về hoặc kêu lên cho mọi người chung quanh biết. Hoặc cũng có thể lợi dụng sơ hở, tìm cách gọi điện thoại cho người thân hay tìm đến trụ sở cơ quan công an trình báo. Các em học sinh phát hiện dấu hiệu nghi ngờ tội phạm mua bán người phải báo ngay cho cơ quan công an, giáo viên chủ nhiệm, hoặc người thân của nạn nhân để kịp thời có biện pháp giải quyết.
                                                                                                                 (nguồn Báo Hải Phòng)

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng
Địa chỉ: Số 1 Lương Văn Can, Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng
Email: chicucpctnxh@haiphong.gov.vn
Giấy phép số: 04/GP-STTTT, ngày 05-6-2018, Sở Thông tin và Truyền thông
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng, Trưởng Ban biên tập
Thiết kế bởi VNPT Hải Phòng