I. KHÁI NIỆM TỆ NẠN XÃ HỘI VÀ CÁC DẤU HIỆU ĐẶC TRƯNG
Tệ nạn xã hội là một trong những biểu hiện của sai lệch xã hội. Vậy thế nào là sai lệch xã hội. Muốn hiểu rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu về chuẩn mực xã hội.
Chuẩn mực xã hội là tập hợp các yêu cầu hoặc sự mong đợi mà cộng đồng xã hội (nhóm tổ chức, giai cấp, xã hội) đưa ra nhằm tạo lập các khuôn mẫu hành vi và hành động cho các thành viên của mình.
Chuẩn mực xã hội có thể được biểu hiện dưới dạng ngôn ngữ (pháp luật, nội quy, hương ước) hay bất thành văn.
Khoa học xã hội chia chuẩn mực xã hội thành:
- Chuẩn mực bắt buộc: phổ biến cho toàn xã hội và gắn với nó là sự trừng phạt công khai.
- Chuẩn mực mong đợi: phổ biến cho toàn xã hội nhưng mang tính đặc thù cho các nhóm xã hội.
Một khái niệm nữa chúng ta cần hiểu về sai lệch xã hội:
Sai lệch xã hội là hành vi của cá nhân hoặc hành vi của nhóm người nào đó không phù hợp với những gì được coi là bình thường của cộng đồng xã hội, có nghĩa là hành vi đó phần nào hoặc đi chệch những gì mà số đông những người khác chờ đợi hoặc mong muốn của họ trong những hoàn cảnh nhất định.
Sai lệch xã hội có thể được hiểu như là sự vi phạm các chuẩn mực hoặc các quy tắc đã được chấp nhận của một nhóm xã hội hay của một xã hội nhất định. Hành vi sai lệch xã hội phá vỡ bức tranh thực tại, trái với sự mong đợi của cộng đồng, đối lập với những hành vi của những người bình thường.
Có thể chia sai lệch xã hội làm 2 loại:
Sai lệch tích cực là những hành vi thiếu bình thường so với chuẩn mực đạo đức xã hội thực tế nhưng nó diễn ra theo hướng thực hiện những khuôn mẫu, tác phong, lý tưởng mà đa số con người trong xã hội đang muốn hướng tới.
Sai lệch tiêu cực là những hành vi không được tán thành trong thực tế xã hội, nó thường là những khuôn mẫu tác phong dưới chuẩn mực văn hóa, nghĩa là thấp hơn mẫu trung bình của thực tế xã hội, những hành vi như thế này thường bị xã hội lên án.
Dưới góc độ pháp lý, ta có thể hiểu tệ nạn xã hội như sau:
Tệ nạn xã hội là hiện tượng tiêu cực có tính lịch sử cụ thể biểu hiện bằng những hành vi vi phạm pháp luật và sai lệch các chuẩn mực, có tính lây lan, phổ biến gây nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Với quan niệm này, tệ nạn xã hội có 4 đặc trưng:
- Tệ nạn xã hội là những hành vi vi phạm pháp luật có tính phổ biến.
- Tệ nạn xã hội là những hành vi sai lệch có tính phổ biến đối với các chuẩn mực đạo đức xã hội (đạo đức lối sống, tập quán tiến bộ).
- Tệ nạn là những hiện tượng nguy hiểm cho xã hội, lây lan nhanh, gây tâm trạng xã hội nặng nề.
- Tệ nạn xã hội phụ thuộc vào chế độ chính trị, điều kiện kinh tế xã hội và tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận. Đặc trung này chỉ ra rằng pháp luật cần bám sát thực tiễn để có nội dung điều chỉnh phù hợp.
1. Tệ nạn xã hội là những hành vi vi phạm pháp luật có tính phổ biến.
Như chúng ta đã biết, pháp luật là hệ thống các quy phạm (quy tắc xử sự hành vi) do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực chính trị, phù hợp với thực tế khách quan của đời sống kinh tế xã hội, có tính chất bắt buộc chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được Nhà nước đảm bảo thực hiện và bảo vệ bằng các biện pháp tổ chức, giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế của bộ máy Nhà nước.
Hành vi vi phạm pháp luật tức là các hành vi trái với các quy định được xác định trong quy phạm pháp luật.
Các hành vi vi phạm pháp luật có thể khác nhau về mức độ vi phạm và mức độ hậu quả do hành vi gây ra, nhưng chúng đều có điểm chung là tính chất xã hội của các hậu quả đó là những thiệt hại tổn thất về những mặt khác nhau cho lợi ích giai cấp, nhóm xã hội nói riêng hoặc của cả xã hội nói chung. Xuất phát từ những lợi ích đó mà Nhà nước đặt ra các quy phạm pháp luật.
2. Tệ nạn xã hội là những hành vi sai lệch có tính phổ biến đối với các chuẩn mực đạo đức xã hội (đạo đức lối sống, tập quán tiến bộ).
Những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội tức là các hành vi làm cản trở, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và tiến bộ xã hội, có thể đó là truyền thống văn hóa, đạo đức, phong tục tập quán thuần phong mỹ tục của dân tộc, lối sống… tức là chuẩn mực đã được cộng đồng chấp nhận. Tuy nhiên, để trở thành tệ nạn xã hội thì các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội phải mang tính phổ biến chứ không phải là một vài hành vi đơn lẻ của một vài cá nhân, và chúng có xu hướng phát triển lây lan theo diện rộng. Đây là đặc trưng riêng của tệ nạn xã hội để phân biệt nó với các hiện tượng xã hội khác.
3. Tệ nạn là những hiện tượng nguy hiểm cho xã hội, lây lan nhanh, gây tâm trạng xã hội nặng nề.
Tính chất nguy hiểm của tệ nạn xã hội thể hiện ở việc lây lan nhanh và gây ra thiệt hại về mọi mặt cho các quan hệ xã hội. Tệ nạn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, văn hóa, đạo đức, tâm lý xã hội… gây tâm trạng nặng nề trong xã hội. Thiệt hại do tệ nạn xã hội đem lại có khi là những thiệt hại về vật chất có thể tính toán được, có khi là những thiệt hại khôn lường khó tính toán được (hậu quả về chính trị, văn hóa, tư tưởng, tổ chức…) thậm chí nếu không được quan tâm giải quyết thỏa đáng sẽ làm tiêu mòn sinh lực xã hội, đưa xã hội tới chỗ suy vong, hủy diệt.
Do tính phổ biến và lây lan nhanh nên tệ nạn xã hội nguy hiểm cho xã hội hơn nhiều so với một số hành vi vi phạm pháp luật ít có tính phổ biến và lây lan nhanh.
4/ Tệ nạn xã hội phụ thuộc vào chế độ chính trị, điều kiện kinh tế xã hội và tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận.
Đặc trưng này chỉ ra rằng pháp luật cần bám sát thực tiễn để có nội dung điều chỉnh phù hợp.
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan trong đời sống xã hội, và nó phát sinh phát triển gắn với những điều kiện kinh tế xã hội nhất định, có loại tệ nạn xã hội này sinh ra trong xã hội này, có loại tệ nạn xã hội khác nảy sinh trong một xã hội khác. Ngược lại, có tệ nạn xã hội tồn tại trong tất cả các xã hội. Chính môi trường kinh tế đã làm nảy sinh ra các tệ nạn xã hội và cũng chính sự thay đổi môi trường kinh tế xã hội sẽ tác động trực tiếp làm tăng lên hay giảm đi các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, tệ nạn xã hội cũng một phần tùy thuộc vào số lượng các hành vi bị Nhà nước coi là biểu hiện của các tệ nạn xã hội.
Ở Việt Nam, kể từ khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI đến nay đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, đời sống chính trị, kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc với những biến đổi quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế bên cạnh những mặt mạnh, mặt tích cực của kinh tế thị trường đã tạo cho nền kinh tế phát triển đa dạng năng động thì đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, xu hướng thực dụng, quá coi trọng đồng tiền trong xã hội. Thực chất ở đây là quan niệm và đánh giá sai lầm về lợi ích, nhằm đạt lợi ích và đồng tiền bằng mọi phương tiện. Đó là những điều kiện làm cho tệ nạn xã hội phát triển. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng Việt Nam tuy còn nhiều khó khăn nhưng hoàn toàn có thể giải quyết được tệ nạn xã hội. Thực tế đã cho thấy đã có những tệ nạn xã hội đã bị loại trừ hoặc có những tệ nạn xã hội có xu hướng giảm dần. Để đạt được mục tiêu này cần sử dụng thường xuyên, đồng bộ nhiều phương pháp, biện pháp về chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục để tác động vào những nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh tệ nạn xã hội. Trong đó có biện pháp sử dụng pháp luật để đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.