1. Nàng không cha. Mẹ mang thai, sinh nàng ra khi hãy còn là con gái, không chồng. Người ta gọi mẹ là “Thánh nữ Maria”, tức Đức mẹ đồng trinh, tức không chồng mà vẫn ... có con, ngoan ghê! Gọi mỉa. Không sao. Với nàng, mẹ đích thực là “Thánh nữ”. Mẹ nuôi nấng, chăm bẵm nàng bằng dòng sữa ngọt vắt ra từ tuổi thanh xuân, chở che nàng bằng đôi cánh thiên thần rợp mát suốt thời ấu thơ nắng chẳng đến đầu, mưa không bén mặt. Nàng không thiếu thốn gì, không cảm thấy thiếu thốn gì so với bạn bè cùng trang lứa. Người ta bảo: “Con không cha như nhà không nóc”. Sai. Nàng không cha, nhưng nhà nàng vẫn có nóc. Kín nóc đàng hoàng. Còn “kín” hơn nhiều đứa bạn có cha nhưng là cha nghiện ma túy, cha thích chơi gái, cha lăng nhăng, cha vũ phu đánh mẹ... Cha ư, không quan trọng, chí ít là với nàng. Mà không, nói chính xác, nàng cũng không biết cha có quan trọng với người khác hay không; chỉ biết nàng không có và cũng không thấy thiếu. Và thực ra nàng cũng không có khái niệm nhiều, không quan tâm. Từ điển ngôn ngữ của nàng bỏ trống từ “cha”. Hồi tiểu học, có lần cô giáo ra đề Tập làm văn: “Tả người cha của em”, nàng viết, cụt lủn: “Em không có cha. Và em cũng không thấy mình cần phải có cha”. Bài văn khiến mẹ nàng phải khổ sở hai ba bận đi gặp cô giáo, nói khó với cô về cái gia cảnh “không cha” của nàng để xin cô điểm 0...
2. Lớn hơn chút, ra đời, nàng mới dần dần hiểu câu ví von “con không cha như nhà không nóc” có ý nghĩa gì. Hiểu thêm nét mặt luôn u uẩn, rợi buồn của mẹ. Hiểu thêm những lời đàm tiếu của láng giềng, người thân về hoản cảnh trớ trêu của mẹ: đơn thân, ngót mấy chục năm một mình nuôi con, xong một kiếp người. Cho dù mẹ xinh đẹp, giỏi giang, không thô vụng, xấu xí như nàng.
Phải; nàng thô, xấu. Cái thô xấu từng được những lới đàm tiếu (vụng trộm) bảo là “giống cha”. Phải thôi; con không giống mẹ, giống cha chẳng lẽ giống ... ông hàng xóm hay sao? Mẹ không thô, không xấu; vậy thủ phạm chắc chắn phải là ông ấy. Đáng ghét. Mà nào có riêng chuyện dung nhan; ông ấy còn là thủ phạm của nghìn lẻ một chuyện (vân vân và vân vân); những chuyện mà phụ nữ không chồng và một đứa con không cha phải chịu đựng. Không dưng mà mẹ suốt mấy chục năm thành tấm bia cho miệng thể gian, cho sự lườm nguýt của quý bà, chớt nhả của quý ông. Không dưng mà nàng thi thoảng vẫn bị gọi là “con hoang” (cái từ lúc nhỏ nàng không quan tâm nhiều, chỉ đơn giản nghĩ bạn bè tức nhau nên cố tình... kiếm chuyện!). Không dưng mà mẹ con nàng lại dạt trôi từ phố thị về nơi xóm núi đìu hiu hàng bao nhiêu năm. Nàng đã đủ lớn để hiểu ra: với mẹ thực chất đó là một cuộc chạy trốn, chạy trốn những nghiệt ngã, ác tâm (hay ác khẩu) của người đời dành cho một người đàn bà không chồng bỗng dưng lại có con...
Mà trớ trêu chưa, ông ấy, không ai xa lạ, là chồng gì Hai, tức anh rể mẹ, tức (đáng ra) là dượng của nàng!
... Đó là những chuyện nàng biết. Rất muộn, khi đã trưởng thành. Biết rồi thì giận. Cơn giận trào sôi quặn ruột mỗi khi ai đó vô tình nhắc đến tên ông ấy trước mặt...
3. Người ta hỏi: Sao mẹ mày mãi không lấy chồng? Nàng lắc đầu: Không biết! Không biết thật; bởi hỏi mẹ không trả lời. Mẹ chưa bao giờ có câu trả lời đúng nghĩa cho nàng. Hỏi chi? Mẹ có con đủ rồi...
Chống chế cho qua chuyện, nàng biết.
Mẹ con nàng ít khi về thăm ngoại. Họa hằn mỗi bận về, ngoại lại ôm nàng vào lòng nựng nịu. Xong, nhìn lên khuôn mặt rượi buồn của mẹ mà chép miệng, chuyện qua lâu rồi, coi kiếm chỗ nương nhờ chớ cứ vậy mãi sao con? Mẹ lắc đầu, thở ra. Ngoại nhìn mẹ, nhìn cháu, xong cũng lắc đầu, thở ra...
Nghe nói ông ấy được bảo lãnh qua Mỹ định cư cùng các anh chị. Vẫn ở vậy, cho dù dì Hai đã mất lâu. Ngày dì còn sống, (cũng nghe nói) mẹ và dì cũng không nhìn mặt nhau (chính xác: dì không nhìn mặt mẹ. Cũng phẫn vì chuyện ấy mẹ phải bồng nàng tha phương). Dì Hai bịnh nặng. Trước lúc chết, dì nhắn gọi mẹ về. Chị em ôm nhau khóc. Rồi dì đi, có mẹ vuốt mắt...
Hình như mẹ vẫn nhận thư của ông ấy. Cả quà cáp. Nhận lén; bởi mẹ thừa biết nàng sẽ làm dữ nếu phát hiện. Nàng từng tuyên bố: thà cơm độn, áo vá, cưỡi xe đạp trành (của mẹ) đi học, nhất quyết không ngửa tay nhận bất cứ đồ “bố thí” gì từ ông ấy. Hoặc ông ấy, hoặc con, mẹ chọn đi!
Mẹ ứa nước mắt. Lần đầu tiên nàng bất chợt nhận ra: mẹ già nhanh quá. Nhìn kỹ, da mặt mẹ trổ đầy đốm đồi mồi, đuôi mắt rạn chân chim. Sao kỳ vậy ta, và từ lúc nào??
4. Anh bảo, em đừng quá nghiệt ngã, muốn sống tốt cần có cặp đôi, không gì đáng sợ bằng nỗi cô đơn... Nàng nhìn mông nung lên tán cây bàng trụi lá chìa tua tủa cành xương bên góc quán, nơi có đôi chim câu đang gù gù âu yếm dịu mỏ vào nhau. Chúng mải mê không thèm quan tâm đến “chiếc vung trời” mùa đông ảm đạm, xám nhờ đang lất phất mưa. Xa xa, giữa đồng nước trắng, bì bõm co ro độc một bóng cò...
Lần khác anh bảo: Vợ chồng, đôi lứa là duyên. Có “thuận duyên” thì cũng có “nghịch duyên”... là sao? Là yêu nhau, nhưng trắc trở, lận đận trên hành trình đến với nhau; thậm chí là ngang trái, éo le... Như Romio – Juniette? Đúng; nhưng cái kết quá bi thảm. Lẽ ra nó đã kết có hậu hơn nếu những người thân có chút khoan dung... Nàng nhìn sâu vào mắt anh. Liệu anh với nàng có phải là “nghịch duyên” khi anh khá hoàn mỹ, chỉn chu cặp bên nàng đầy rẫy những bất túc?
Là “nghịch” đấy, anh cười phá. Nhưng nghịch sẽ hóa thuận nếu con người đủ nhân ái, khoan dung. Chúng sinh nào chẳng từng tội lỗi, lầm mê? Cuộc sống vốn vô thường...
Anh là người uyên bác. Tinh thông cả phật học. Chẳng trách.
5. Tết này ông ấy về nước.
Làm bộ không biết; chứ nhất cử, nhất động của ông ấy nàng còn lạ gì. Cũng như chuyện điện đóm thư từ qua lại giữa mẹ và ông ấy nàng còn lạ gì. Chị cả con gì Hai viết thư về bảo: thôi, nghĩ thoáng chút đi em. Ba già, mà gì cũng già rồi...
Nàng lẳng lặng sắp xếp mọi thứ, không cho mẹ hay.
Hăm tám Tết, nàng bảo: năm nay, mẹ con mình ăn tết riêng một năm mẹ nha...
Mẹ hốt hoảng: con... định đi đâu? Không, con không đi; là ... mẹ đi! Đây, quà Tết sớm của con, mẹ nhận đi...
Nàng dúi vào tay mẹ tấm vé máy bay. Nha Trang – Sài Gòn. Chuyến cuối năm. Mẹ yên tâm, xuống máy bay có người ra đón...
Nhìn nước mắt hạnh phúc của mẹ, thốt nhiên nàng cảm thấy nhẹ tênh. Nàng nhìn ra cửa sổ, nơi có một mảng tươi xanh tua tủa lộc non đang hối hả vào Xuân. Vậy là mùa Đông dài dặc cuối cùng cũng đã qua đi. Rồi cũng tới mùa Xuân, phải không mẹ, phải không anh...
Nàng cười, và hình dung anh cũng mỉm cười.
(nguồn Tạp chí AIDS và cộng đồng)