1. Hỏi: Ma tuý là gì?
Đáp: Theo từ điển tiếng Việt (từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng Trung tâm Từ điển học 1996, trang 583) thì Ma tuý là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện.
Những chất gây nghiện có thể được chiết xuất từ cây thực vật như cây Anh Túc (cây thuốc phiện), cây Côca, cây khác…và những chất gây nghiện kích thích thần kinh khác như Amphetaminh, LSD được sản xuất từ các tiền chất, hoá chất. Những chất kích thích thần kinh đó, trong thuật ngữ tiếng Việt ta có thể gọi là chất ma tuý hướng thần.
Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ pháp luật".
Bộ luật Hình sự được quốc hội thông qua ngày 21-12-1999, đã quy định các tội phạm về ma tuý. Theo đó, ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, lá hoa, quả cây cần sa, lá cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma tuý khác ở thể lỏng, các chất ma tuý khác ở thể rắn.
Luật Phòng, chống ma tuý được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000 quy định: Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.
Như vậy, chất ma tuý được xác định và có tên gọi riêng trong khoa học. Danh mục các chất ma tuý, tiền chất và các chất hoá học dùng để điều chế các chất ma tuý (bao gồm danh mục quy định trong Công ước 1961, 1971, 1988 của Liên Hợp quốc về kiểm soát ma tuý) gồm 225 chất ma tuý và 22 tiền chất. Để xác định có phải là chất ma tuý hay không, hoặc là chất ma tuý gì thì phải trưng cầu giám định.
Từ quy định của Liên Hợp quốc và pháp luật Việt Nam chúng ta có thể hiểu:
Ma tuý là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người, nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma tuý, con người sẽ lệ thuộc vào nó, khi đó gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.
2. Hỏi: Phân biệt ''chất gây nghiện'' và ''chất hướng thần” với ''thuốc gây nghiện” và “thuốc hướng thần''?
Đáp: Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện.
Còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ y tế ban hành.
3. Hỏi: Sự tác động của ma tuý tới cơ thể con người?
Đáp: Nghiện ma tuý ảnh hưởng đến sức khoẻ của người nghiện, có thể dẫn đến nhiễm độc mãn tính cho cơ thể, gây ra rối loạn ở từng bộ phận, đến suy nhược toàn thân của người nghiện như:
Đối với hệ tiêu hoá, người nghiện luôn có cảm giác chán ăn, vì vậy họ không muốn ăn, tiết dịch của hệ tiêu hoá giảm, thường có cảm giác buồn nôn, đau bụng, đại tiện lúc lỏng, lúc táo bón.
Đối với hệ tuần hoàn, thường bị loạn nhịp, huyết áp tăng giảm đột ngột, mạch máu bi xơ cứng, đặc biệt là hệ mạch não làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não. Do tiêm chích thường không vô trùng, nên dễ dẫn đến nhiễm trùng máu, viêm tắc tĩnh mạch, thường gặp viêm tắc tĩnh mạch hai chi dưới.
Đối với hệ hô hấp, những đối tượng hít ma tuý thường bị viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp trên và dưới.
Các bệnh về da, người nghiện bị rối loạn cảm giác da nên không cảm giác thấy bẩn, họ thường sợ nước, vì vậy họ rất ngại tắm rửa- đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh da phát triển như: ghẻ, lở, hắc lào, viêm đa não.
Nghiện ma tuý làm suy giảm chức năng thải độc, người nghiện ma tuý, chất hêrôin, làm cho chất độc tích tụ trong cơ thể, càng làm cho gan, thận và toàn cơ thể suy yếu nên người nghiện hay bị các triệu chứng: áp xe gan, viêm gan, suy gan, suy thận, có khi dẫn đến tử vong.
Đối với hệ thần kinh, người nghiện nặng có biểu hiện rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động dẫn tới tội ác. Nếu dùng ma tuý liều cao có thể bị ngộ độc cấp tính, biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hôn mê.
Nghiện ma tuý sẽ dẫn tới suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm tuổi thọ.
4. Hỏi: Ma tuý gây ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và nòi giống như thế nào?
Đáp:
- Ma tuý làm thay đổi nhân cách người nghiện. Ma tuý làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần, thay đổi nhân cách.
Họ thường xa lánh nếp sinh hoạt lành mạnh như: học tập vui chơi, lao động, thể thao, yêu thương và yêu người thân, bè bạn. Họ thường sống ủ dột, cách biệt xa lánh mọi người, xa lánh bạn tốt, chỉ tìm bạn nghiện để chơi và cùng nhau sử dụng ma tuý họ thường cáu gắt, nói dối, ăn cắp, gây xung đột với bố mẹ, anh chị em, vợ con.
- Nghiện ma tuý làm tổn hại đến tình cảm và hạnh phúc gia đình
Do tính tình người nghiện ma tuý hay thay đổi và do mâu thuẫn về quyền lợi, nên họ luôn chống lại người thân trong gia đình, họ hay gây gổ, cáu gắt, lừa dối, dẫn đến tình cảm sứt mẻ, xung đột trong gia đình ngày càng tăng. Có người nghiện đã đánh lại cha mẹ, hành hạ vợ con, gây tội ác với bà con lối xóm, xã hội... gây mất trật tự an toàn xã hội.
- Nghiện ma tuý ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống.
Lúc mới sử dụng ma tuý thường gây kích thích tình dục, vì vậy để thoả mãn nhu cầu, đối tượng có thể quan hệ với gái mại dâm, cho nên rất dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu, giang mai, HIV.
Khi đã nghiện ma tuý nặng, các hoóc môn sinh dục bị suy giảm nên sinh con ốm yếu, trí tuệ chậm phát triển.
Đối với phụ nữ có thai, nghiện ma tuý có thể dẫn đến xảy thai, thai lưu, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, gầy gò, ốm yếu, khó nuôi, chậm phát triển về thể lực và trí tuệ.
- Đối tượng nghiện ma tuý có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Phương thức lây nhiễm chủ yếu bằng hai con đường: đường tình dục và đường máu. Lúc mới nghiện ma tuý người nghiện ma tuý được kích thích tình dục, để thoả mãn nhiều người đã quan hệ với gái mại dâm, nên rất dễ bị gây nhiễm HIV/AIDS và truyền bệnh này từ người này sang người khác. Khi tiêm chích ma tuý, đối tượng thường dùng chung bơm kim tiêm mà không khử trùng hoặc khử trùng qua loa không đảm bảo yêu cầu sinh, vì vậy họ rất dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS (ở Việt Nam 65% người nhiễm HIV/AIDS là người nghiện ma tuý).
5. Hỏi: Ma tuý gây tác hại tới kinh tế như thế nào?
Đáp: Nghiện ma tuý gây, tổn hại lớn về kinh tế của bản thân, gia đình, xã hội. Người nghiện ma tuý nhẹ trung bình mỗi ngày dùng 50.000 đồng để mua ma tuý; người nghiện nặng dùng tới trên 100.000 đồng. Bản thân người nghiện do sức khoẻ giảm sút, khả năng lao động kém, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định nên phải bấy tiền của gia đình hoặc trộm cắp đồ của người thân bán rẻ lấy tiền mua ma túy.
Chi phí điều trị cắt cơn nghiện rất tốn kém. Sự tăng nhanh của số người nghiện đòi hỏi phải có nhiều cơ sở cai nghiện ma tuý và các dịch vụ chữa trị khác, do vậy gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế của Nhà nước ta.
Ma tuý còn gây ra hàng loạt những thiệt hại gián tiếp mà xã hội phải gánh chịu như: thiệt hại kinh tế do sản phẩm thu nhập bị mất đi vì người lao động hay ốm, đau, chết, năng suất lao động giảm. Do vậy, thu nhập quốc dân giảm trong khi chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế xã hội lại tăng; chi phí đào tạo cán bộ, công nhân có tay nghề để thay thế những người nghiện cũng tăng lên.
6. Hỏi: Ma tuý gây tác hại cho xã hội như thế nào?
Đáp: Nghiện ma tuý có tác hại lớn đối với con người và xã hội. Ma tuý và nghiện ma tuý đã và đang là thảm hoạ chung của loài người. Tại diễn đàn Liên Hợp quốc, ngài Boutros Gali - nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã đánh giá: "Trong những năm gần đây, tình trạng nghiện hút ma tuý đã trở thành hiểm hoạ của toàn nhân loại. Không một quốc gia, dân tộc nào thoát ra khỏi ngoài vòng xoáy khủng khiếp của nó để tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút và buôn lậu ma tuý gây ra. Ma tuý đang làm gia tăng tội phạm, bạo lực, tham nhũng, vắt cạn kiệt nhân lực, tài chính, huỷ diệt những tiềm năng quí báu khác mà lẽ ra phải được huy động cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Ma tuý đang làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống yên vui gia đình, gây xói mòn đạo lý, kinh tế, xã hội... Nghiêm trọng hơn, ma tuý còn là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV/DS...''
7. Hỏi: Tệ nạn nghiện ma tuý ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như thế nào?
Đáp: Để có tiền sử dụng ma tuý, hàng vạn người nghiện đã phạm tội trộm cắp, cướp của, giết người, buôn bán ma tuý... Qua thống kê được biết, 70% số vụ phạm tội hàng năm là do người nghiện ma tuý gây ra hoặc có liên quan đến ma tuý. Trong số những người bị bắt hàng năm vì phạm tội, có từ 30% đến 50% số người phạm tội về ma tuý.
Do bị kích thích sau khi sử dụng chất ma tuý, nhiều người đã phạm các tội về gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, đua xe trái phép, vi phạm luật lệ giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng v.v...
8. Hỏi:Thế nào là người nghiện ma tuý?
Đáp: Người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.
Người nghiện ma tuý có các đặc trưng sau:
- Có sự ham muốn thông kìm chế được và phải sử dụng nó bất kỳ giá nào.
- Có khuynh hướng tăng dần liều dùng (liều dùng lần sau cao hơn liều dùng trước mới có tác dụng).
- Tâm sinh lý bị lệ thuộc vào tác dụng của chất đó.
- Thiếu thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng như: uể oải, hạ huyết áp, lên cơn co giật, đau đớn và có thể làm bất cứ điều gì miễn là có chất ma tuý để dùng.
9. Hỏi: Nguyên nhân dẫn đến nghiện ma tuý trong thanh thiếu niên hiện nay?
Đáp: Có các nguyên nhân sau đây:
1. Nguyên nhân về phía gia đình
Gia đình là nơi đứa trẻ sinh ra và lớn lên, vì vậy môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Không khí gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận và trở thành đối tượng nghiện của thanh thiếu niên. Những đứa trẻ mà cha mẹ có mối qua hệ phúc tạp như: ly thân, ly hôn... có xu hướng nghiện cao hơn. Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá và không khí gia đình không bình thường 1à một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đứa trẻ tiếp cận với ma tuý và trở thành kẻ nghiện ma tuý.
2. Nguyên nhân từ xã hội hay hoàn cảnh xã hội xung quanh tác động
Trong gia đình bố mẹ không quan tâm đến con cái hoặc nuông chiều thái quá dẫn đến sự quản lý con cái bị buông lỏng thì với sự nhạy cảm của thanh thiếu niên những tật xấu rất dễ xâm nhập. Đầu tiên là mải chơi, đua đòi, lười học, học kém, bỏ học dẫn đến bị lôi kéo nghiện ma tuý. Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện đều thất học, hoặc có trình độ học vấn thấp, phần lớn trong số họ mới có trình độ tiểu học, số ít đang học dở trung học cơ sở, hoặc đang học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đa số họ không được đào tạo về nghề nghiệp, bởi vậy cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển xã hội là rất nhỏ. Không nghề nghiệp, hoặc nghề nghiệp không ổn định, có địa vị thấp trong xã hội, thu nhập thấp và không ổn định, không kiếm đủ tiền cho cuộc sống độc lập của mình, vì thế họ có cảm giác thua thiệt về tâm lý, dễ sinh chán chường, bất mãn và sinh ra nghiện ngập.
Với lớp trẻ đang học phổ thông cơ sở rất dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ma tuý. Lý do là các em không có ''sân chơi'' lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó vì lợi nhuận, hay đã có sẵn những kẻ xấu và một số kẻ không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em sa ngã đi vào con đường nghiện ma tuý...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại hậu quả của ma túy nhằm tạo phong trào quần chúng rộng khắp trong phòng ngừa, lên án, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy chưa thường xuyên và đủ mạnh, chưa sâu, chưa đến được nhiều với từng gia đình, từng cộng đồng thôn xóm, làng, xã khu phố và đến tới từng công dân. Tuyên truyền nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy, vẫn còn không ít người chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy.
Công tác cai nghiện cũng đã được đẩy mạnh trong thời gian qua (cả nước có hơn 30 trung tâm cai nghiện) nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn cao (80%) chứng tỏ các trung tâm chưa thực sự có hiệu quả trong công tác cai nghiện. Thực tế này xuất phát từ nhiều vấn đề về kỹ thuật, phương tiện, cách chữa trị cũng như kinh phí... nhưng không thể không kể đến những tiêu cực ở các trung tâm. Công tác cai nghiện chưa có hình thức và phương pháp phù hợp với nhận thức, tâm lý cũng như mục đích cai nghiện. Nhận thức của các ngành, các địa phương về công tác cai nghiện và tái hòa nhập xã hội cho người nghiện còn chưa thống nhất. Vì vậy chưa có sự phối hợp đồng bộ, chưa có các biện pháp giải quyết thích hợp ngay trên từng địa bàn. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu nắm đối tượng nghiện ma tuý của lực lương Công an nhiều lúc, nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa phát hiện kịp thời những đối tượng tội phạm có liên quan đến ma tuý để ngăn chặn.
3. Nguyên nhân từ phía bạn bè cùng lứa tuổi.
Ngoài gia đình với sự chăm sóc, kèm cặp sát sao của cha mẹ, nhà trường với sự quản lý chặt chẽ của thầy cô giáo thì thanh thiếu niên còn chịu ảnh hưởng lớn của môi trường bạn bè. Bản chất của mối quan hệ này là dựa trên sự tương hợp về sở thích và hứng thú. Điều này luôn có tác đông hai mặt, nếu các em tiếp xúc với nhóm bạn tốt sẽ có thể học theo bạn những cử chỉ hành vi đẹp, biết giúp đỡ quan tâm đến mọi người. Ngược lại, nếu các em tiếp xúc với nhóm bạn xấu, sẽ học từ bạn bè những hành vi không tốt, như thói vô trách nhiệm, đòi hỏi quá đáng và không chịu nghe lời. Kết quả điều tra cho thấy 100% số người nghiện có nhóm bạn cũng là người nghiện, hoặc có tiền án, tiền sự khác.
4. Nguyên nhân từ chính những đối tượng nghiện
Một số cha mẹ của thanh thiếu niên nghiện ma tuý cho rằng, con cái của họ có thể đã bị bạn bè hay kẻ buôn bán ma tuý ép dùng ma tuý. Tuy nhiên, bọn trẻ lại nói rằng chúng sử dụng ma tuý vì chúng muốn giải sầu, muốn có cảm giác dễ chịu, muốn quên đi những rắc rối của mình và thư giãn. Chúng muốn vui vẻ, thoả mãn trí tò mò, thích mạo hiểm, làm dịu bớt nỗi đau, cảm thấy mình là người lớn, tỏ ra độc lập, muốn thuộc về một nhóm nào đó, hay trông ''hay hay'' thì tham gia thử... Khi đã thử một vài lần sẽ mắc nghiện. Từ những ý tưởng ở bên trong cùng những tác động bên ngoài sẽ là nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên nghiện ma tuý.
10. Hỏi: Những dấu hiệu để nhận biết con em mình nghiện ma tuý?
Đáp: Theo tài liệu của Uỷ ban quốc gia phòng chống ma tuý thì có các cách nhận biết một người đã nghiện ma tuý qua các biểu hiện sau đây:
1. Thay đổi bất thường giờ giấc sinh hoạt: thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều.
2. Hay tụ tập, đi lại đàn đám với những người không có công ăn việc làm, không lao động, không học hành, hay chơi thân với người nghiện ma tuý.
3. Đi lại có qui luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định nào đó dù có đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để “đi”.
4. Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người (kể cả người thân trong gia đình).
5. Tâm trạng thường lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, nói dối, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt.
6. Hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân, nếu là học sinh thì thường đi muộn, trốn học, lực học giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.
7. Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, sử dụng tiền không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, hay bán đồ đạc cá nhân và của gia đình, nợ nần nhiều, ăn cắp vặt.
8. Túi quần, áo, cặp sách, phòng ở thường có nhiều thứ như: giấy bạc, thuốc lá, kẹo cao su, bật lửa ga, bơm xi lanh, kim tiêm, ống thuốc, thuốc phiện, gói nhỏ hêrôin.
9. Có dấu kim tiêm trên mạch máu ở mu bàn tay, cổ tay, mặt trên khửu tay, mặt trong mắt cá chân, bẹn, ở cổ.
10. Đố với người đã nghiện nặng, ngoài các dấu hiệu trên còn biểu hiện: Sức khỏe giảm sút rõ rệt; thường uyên ngáp vặt; mắt lờ đờ; da tái, môi thâm, cơ thể hôi hám, ít tắm giặt, ăn mặc luộm thuộm.
Ghi chú: Những người nào có càng nhiều những biểu hiện nêu trên thì người đó càng có nhiều khả năng đã nghiện ma tuý. Chắc chắn nhất là lấy nước tiểu đem xét nghiệm chất ma tuý để khẳng định.