Câu hỏi: Xin cho biết các cơ sở cai nghiện tự nguyện thực hiện giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng chống tái nghiện phải đáp ứng những điều kiện gì thì được cấp giấy phép hoạt động?
Trả lời:
Theo Điều 4, Thông tư liên tịch số 43/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở cai nghiện thực hiện giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng chống tái nghiện như sau:
1. Cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP và các điều kiện cụ thể sau:
a) Có khu ăn, nghỉ, sinh hoạt của người đến cai nghiện: Diện tích nhà ở tối thiểu là 5m2/người cai nghiện; có các tiện nghi sinh hoạt thông thường (tối đa 10 người trên một nhà vệ sinh; có giường, chiếu, chăn, màn riêng cho mỗi người) bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho người cai nghiện hợp vệ sinh, trong thời gian cai nghiện.
b) Có khu vực và trang thiết bị phù hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục, học văn hóa, chính trị pháp luật; vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; có đầy đủ tài liệu giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGD&ĐT-BYT ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện:
- Có xưởng dạy nghề hoặc phòng học nghề có trang thiết bị phù hợp với chương trình, giáo trình mục tiêu, nội dung từng nghề được tổ chức tại cơ sở;
- Diện tích đất cho hoạt động lao động trị liệu và lao động sản xuất phải bảo đảm phù hợp cho từng loại nghề được tổ chức tại cơ sở;
- Việc tổ chức lao động trị liệu phải có kế hoạch phân công phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, giới tính của người nghiện ma túy; tùy từng nghề cụ thể mà bố trí làm việc từ nhẹ đến nặng, từ công việc giản đơn đến phức tạp.
d) Khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao:
- Có phòng tập thể dục, luyện tập dưỡng sinh, hình thể, sân chơi thể thao để phục hồi sức khỏe;
- Có thiết bị luyện tập phục hồi chức năng cần thiết.
đ) Có biện pháp, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho cán bộ, nhân viên và người cai nghiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 19/2006/TTLT-BLĐTBXH-BCA.
e) Có hệ thống điện, hệ thống nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoạt động ổn định theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 35/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTNMT.
2. Về nhân sự phải đáp ứng các quy định tại Điểm 2 Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 94/2011/NĐ-CP và các điều kiện cụ thể như sau:
a) Người đứng đầu cơ sở cai nghiện hoặc người phụ trách cai nghiện, phục hồi phải có:
- Giấy xác nhận có thời gian làm công tác cai nghiện, phục hồi từ đủ 12 tháng trở lên do các cơ sở được phép hoạt động cai nghiện ma túy cấp;
- Giấy chứng nhận đã qua tập huấn về công tác quản lý cai nghiện ma túy do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan Y tế cấp tỉnh trở lên cấp.
b) Các nhân viên khác làm việc tại cơ sở cai nghiện phải có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn với chuyên ngành phù hợp nhiệm vụ được giao và quy mô hoạt động của cơ sở cai nghiện./.
NB